Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
TruongTHPTNguyenDuDx
Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ GDTH có hướng dẫn?
Nhiều học sinh lớp 10 đã viết đơn xin chuyển môn/ tổ hợp môn vì sức học không theo kịp mặc dù chưa kết thúc học kì 1 năm học.

Sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kì 1 năm học 2022-2023, nhiều học sinh lớp 10 đã viết đơn xin hiệu trưởng được chuyển môn/ tổ hợp môn vì sức học không theo kịp.

Người viết ghi nhận hiện tượng này xảy ra ở một số trường trung học phổ thông công lập, tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành ở phía Nam. Thực tế dạy và học cho thấy, việc giải quyết cho học sinh được chuyển môn/ tổ hợp môn là bài toán nan giải.

Học sinh xin chuyển tổ hợp môn, trường rối bời, bao giờ Vụ GDTH có hướng dẫn? ảnh 1

Ảnh minh họa: P.L/ giaoduc.net.vn

Học xong hai tháng mới biết chọn nhầm môn

Kì họp hội đồng chuyên môn vào tháng 11/2022, sau khi có kết quả kiểm tra giữa học kì 1, người viết được hiệu trưởng (một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết có hàng chục học sinh lớp 10 làm đơn xin được chuyển môn/ tổ hợp môn với lí do không thích học môn lựa chọn hoặc sức học không theo kịp.

Hiệu trưởng nói rằng, tất cả các đơn đều nêu lí do thuyết phục và được phụ huynh học sinh kí tên với mong muốn lãnh đạo nhà trường giải quyết nguyện vọng cho con em họ được chuyển môn/ tổ hợp môn học càng sớm càng tốt.

Người viết cũng đã tìm hiểu thực trạng học sinh xin chuyển môn/ tổ hợp môn học một số trường trung học phổ thông ở phía Nam thì được giáo viên cho biết, đơn vị thầy cô đang công tác cũng có nhiều trường hợp như vậy.

Cụ thể, có trường hợp học sinh xin chuyển một, hai môn trong cùng một tổ hợp môn nhưng hầu hết hiệu trưởng đều không thể thực hiện được, vì đầu năm học các nhà trường đã ấn định khoảng 5, 6 tổ hợp môn dựa trên số lượng nhân sự (giáo viên) có sẵn.

Cũng có trường hợp học sinh xin chuyển từ tổ hợp môn này sang tổ hợp môn khác theo khối thi đại học rất tréo ngoe. Ví dụ, học sinh xin chuyển từ tổ hợp môn tự nhiên sang tổ hợp môn xã hội. Hay học sinh xin chuyển tổ hợp có môn Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật thay cho môn Âm nhạc, Mỹ thuật...

Một nam sinh lớp 10 trường công lập ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, em muốn chuyển tổ hợp môn không có môn Âm nhạc và Mỹ thuật, lí do em không còn... mê hát còn vẽ thì quá xấu. Một nữ sinh lớp 10 trường tư thục ở Thành phố này có nguyện vọng chuyển tổ hợp môn từ tự nhiên sang xã hội vì sau này em muốn thi ngành báo chí.

Hiệu trưởng rối bời vì học sinh xin chuyển tổ hợp

Hiệu trưởng một trường trung học phổ thông công lập và tư thục ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với người viết rằng, về nguyên tắc, lãnh đạo phải cố gắng giải quyết cho học sinh xin chuyển tổ hợp môn vì quyền lợi của các em là trên hết.

Hơn nữa, Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (áp dụng từ từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10) không có điều khoản nào cấm học sinh chuyển tổ hợp môn.


Tuy vậy, các hiệu trưởng cũng thừa nhận, việc cho học sinh chuyển tổ hợp môn ngay thời điểm giữa học kì 1 hay cuối học kì 1, giữa học kì 2, cuối năm học lớp 10 đều nan giải. Đó là các em phải hoàn thành chương trình học ở thời điểm xin chuyển tổ hợp, rồi sau đó mới thực hiện các bài kiểm tra theo quy định.

Ví dụ, học sinh xin chuyển tổ hợp môn giữa học kì 1, trong đó có môn Sinh học, thì các em phải học xong chương trình của môn Sinh học (tháng 9, 10), sau đó làm 1 bài kiểm tra thường xuyên (hệ số 1) và 1 bài kiểm tra định kì (hệ số 2) trên 5 điểm thì mới được phép chuyển.

Để học xong chương trình môn Sinh, học sinh cần có thời gian học khoảng 2 tháng vì các em phải học các môn khác nữa. Vì vậy, ít nhất phải hết học kì 1 thì học sinh mới có thể xin chuyển môn/ tổ hợp môn học sau khi làm các bài kiểm tra đạt yêu cầu.

Các hiệu trưởng đều gặp vấn đề nan giải đó là, ai sẽ dạy môn học mới cho học sinh khi các em có nhu cầu chuyển tổ hợp môn? Không lẽ lãnh đạo cử giáo viên bộ môn dạy vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật? Chỉ còn cách, giáo viên giao bài trên LMS (hệ thống quản lí học tập) cho học sinh tự học hoặc học sinh đi học thêm để bổ túc kiến thức.

Bộ Giáo dục từng nói gì về việc học sinh xin chuyển tổ hợp môn?

Trả lời câu hỏi phỏng vấn của Báo Tuổi trẻ ngày 25/3/2022: "Học sinh có được lựa chọn lại tổ hợp môn học sau mỗi năm học không? Nếu có thì cần các điều kiện gì?", ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời (trích):

"Còn việc học sinh có nguyện vọng chuyển giữa hai tổ hợp trong cùng một hướng, nghĩa là chỉ chuyển 1 môn học, thì về nguyên tắc có thể thực hiện với điều kiện học sinh phải hoàn thành chương trình môn học ở lớp 10 trong hè (trên nguyên tắc tự nguyện và được thực hiện tương tự như trường hợp học sinh phải kiểm tra, đánh giá lại môn học chưa đạt yêu cầu trong hè) trước khi được học tiếp môn đó ở lớp 11.

Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện thông tư 22 hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này." [1]

Báo Thanh Niên ngày 27/4/2022 dẫn lời ông Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Một môn học không làm nên sự nghiệp gì đâu mà một nhóm môn mới đủ lượng. Cũng như ăn không bao giờ ăn một món cả mà phải xài cả một mâm có mấy món mới đủ chất”.

Tuy vậy, học sinh xin chuyển chỉ một môn học thì có thể vẫn "làm nên sự nghiệp" sau này vì "sai một li đi một dặm". Có thể nhận thấy, học sinh xin chuyển môn/ tổ hợp môn học không phải chỉ xảy ra ở lớp 10 mà còn cả lớp 11, lớp 12 và nhà trường buộc phải giải quyết quyền lợi của các em, không còn cách nào khác.

Thế nhưng, cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn chưa có hướng dẫn nào về việc học sinh xin thay đổi môn/ tổ hợp môn học khiến trường học rối bời, và có thể mỗi trường sẽ thực hiện một kiểu khiến học sinh là người chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Qua bài viết này, kính mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT hoặc bổ sung quy định cụ thể về vấn đề này nhằm giúp các nhà trường giải quyết việc học sinh xin chuyển đổi môn/ tổ hợp môn một cách hợp tình, hợp lí.