Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
TruongTHPTNguyenDuDx
Giáo viên chủ nhiệm với công tác tư vấn học đường

Giáo dục học sinh không phải chỉ là dạy cho các em về kiến thức, mà còn phải giúp các em hình thành nhân cách; không chỉ là dạy chữ mà còn phải dạy người. Vì lẽ đó mà sự nghiệp giáo dục dược mệnh danh là "trồng người". Việc trồng người này đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các lực lượng xã hội, mà quan trọng nhất là sự phối hợp ăn ý, chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường. Thế nhưng các bậc cha mẹ đôi khi cũng bế tắc trong việc giáo dục con ở tuổi thanh thiếu niên. Một số bậc cha mẹ, khi con cái có vấn đề, đã trả lời giáo viên chủ nhiệm: "Tôi lo làm kiếm tiền lo cho nó đi học, không có thời gian, có gì thì cô dạy dùm, tôi cám ơn". Có người rất thật lòng: "Ở nhà tôi rầy cỡ nào nó cũng không nghe. Tôi nói mười câu không bằng thầy nói một câu." Cũng có người thể hiện thái độ bất hợp tác: khóa điện thoại khi thầy cô chủ nhiệm gọi đến, và khi đã liên lạc được thì "Cô mà còn gọi nữa là tui cho nó nghỉ học!".

Với một số học sinh, gia đình không phải là chốn bình yên, không phải là nơi mà em muốn quay về sau mỗi ngày đi học, bởi ở nhà, "ba con chỉ biết dùng từ thô tục chửi con, đánh con. Con sợ đòn roi, nhưng con không sợ ba con, không nể ba con,… Cô cho con một câu trả lời, cô cho con một lời nào giúp con đi cô!" - Một em học sinh đã gửi đi lời cầu cứu đến cô chủ nhiệm của mình như thế! Có em, vì cha mẹ không có con trai, nên ngay từ nhỏ, đã cho con gái ăn mặc quần áo của con trai, đối xử như với con trai. Đến trường, em hung hăng, nghênh ngang thể hiện bản lĩnh "đàn anh" của mình. Lúc này, cha mẹ mới khẩn khoản: thầy cô làm ơn giúp dùm gia đình. Cũng có em tâm sự: Cô ơi, con không thích học sư phạm, nhưng mẹ con nói là sư phạm dễ kiếm việc làm, dễ lấy chồng nên bắt con thi. Bây giờ con đăng ký thi ngành điện tử, ba mẹ con không nhìn tới mặt con, con phải làm sao hả cô?

Và còn biết bao tình huống mà người giáo viên chủ nhiệm phải đối diện khi quản lý một lớp học: các em có mâu thuẫn với giáo viên bộ môn và yêu cầu được đổi giáo viên, bị thầy cô ép đi học thêm, thầy cô đối xử bất công hay hiều lầm, bị thất tình, mâu thuẫn với bạn bè dẫn đến xô xát, muốn nghỉ học vì chán nản chuyện gia đình, vì hoàn cảnh khó khăn,… Ở tuổi mới lớn, vì luôn muốn được quan tâm, đôi khi các em thổi phồng vấn đề của mình lên quá mức, khiến cho việc nhỏ trở nên trầm trọng. Nếu không được kịp thời giúp đỡ, khi cảm thấy không ai quan tâm đến mình, các em sẽ tự giải quyết vấn đề và thông thường đó là những cách xử lý tiêu cực, đôi khi gây ra hậu quả vô cùng trầm trọng.

Thiết nghĩ, trước những tình huống nảy sinh trong quá trình quản lý lớp học, với tư cách là giáo viên chủ nhiệm (GVCN), người thầy cần phải có đủ thời gian, đủ kiên nhẫn, đủ bản lĩnh và quan trọng nhất là phải có đủ tình thương để có thể lắng nghe, thông cảm, thấu hiểu, chia sẻ và định hướng cho các em cách giải quyết những vấn đề khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ta không nên chờ đến khi thật sự có vấn đề rồi mới đi tìm cách giải quyết, mà phải phát hiện được vấn đề khi nó còn tiềm ẩn, ngăn chặn những tình huống xấu phát sinh.

Muốn làm được điều đó, ngay từ đầu năm học, khi vừa nhận lớp, GVCN phải tìm hiểu thật cặn kẽ tình hình học sinh thông qua các nguồn khác nhau. Từ bản thân các em thông qua Phiếu thông tin cá nhân, có thể nắm được hoàn cảnh kinh tế gia đình, tình hình nhà ở, mối quan hệ gia đình, xã hội, những ước muốn, sở trường, những khó khăn nếu có,… Với những thông tin đầu tiên này, GVCN có thể sàng lọc chọn ra những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để nếu cần, thu thập thêm thông tin về các em thông qua bạn bè, cha mẹ, GVCN hay thầy cô cũ của các em. Tuy nhiên, trong cuộc sống, không có gì là không thể xảy ra. Vì vậy, đối với những học sinh được đánh giá thật bình thường về hoàn cảnh, về tâm lý, cũng không nên chủ quan cho rằng không cần phải quan tâm đến các em. GVCN phải thể hiện sự quan tâm của mình đến với từng học sinh, nhưng cũng phải đặt trọng tâm, trọng điểm ở một số học sinh các biệt. Song song đó, GVCN cũng cần tự hình thành cho mình một mạng lưới thu thập thông tin riêng từ các nguồn: giáo viên bộ môn, giám thị phụ trách lớp, cha mẹ, bạn bè của học sinh.

Sau khi nắm chắc được tình hình học sinh, GVCN tiến hành bước thứ hai: quan sát. Quan sát để phát hiện những thay đổi trong hành vi, những hiện tượng bất thường trong đời sống học đường, quan sát những biểu hiện của học sinh có nguy cơ rối nhiễu tâm lý. Đó có thể là những biểu hiện nhỏ: đi trễ, không mang giày, cáu gắt với bạn, lo ra, … hay lớn hơn: nghỉ học không xin phép, cúp tiết. Và nghiêm trọng hơn, như vi phạm kiểm tra, vô lễ với giáo viên,… Với những học sinh cá biệt, việc nghỉ học, cúp tiết là chuyện thường ngày, nhưng với những học sinh vốn ngoan ngoãn, chăm chỉ thì một biểu hiện nhỏ nhất cũng là điều cần lưu ý. Một học sinh học khá, chưa một lần đi trễ hay nghỉ học lại đi học trễ. Khi được hỏi trước lớp về lý do đi trễ, đã rơi nước mắt và im lặng. GVCN gọi riêng hỏi han, em tâm sự: thời gian gần đây cha mẹ hay cãi vã nhau. Tối hôm đó, cha về nhà khi đã say rượu, đánh mẹ con em và đuổi ra khỏi nhà, rồi lấy dao đâm nát bánh xe của chiếc xe đạp em vẫn đi học. Sáng ra, em phải đi bộ hơn ba cây số để đến trường, vì ở quê sáng sớm chưa có nơi sửa xe nào mở cửa. Với trường hợp này, nếu GVCN cứ cứng nhắc áp dụng kỷ luật mà không cần hỏi han, có thể sẽ gây một chấn động tâm lý cho học sinh.

Ngoài ra, nhằm xây dựng môi trường tâm lý thuận lợi cho học sinh, GVCN cần tổ chức các hoạt động tập thể, vui chơi, hoạt động giáo dục trong phạm vi lớp chủ nhiệm. Đó có thể là một chuyến dã ngoại nho nhỏ, một hoạt động ngoài giờ lên lớp do chính các em thiết kế và thực hiện chương trình. Những hoạt động ngoài nhà trường thông thường sẽ giúp cho thầy và trò gần gũi, gắn bó với nhau, dễ cảm thông cho nhau. Việc để học sinh tự thực hiện hoạt động ngoài giờ lên lớp vừa phát huy được năng lực sáng tạo của các em, vừa tạo điều kiện cho các em thể hiện các kỹ năng sống cần có: kỹ năng hoạt động nhóm, kỹ năng hợp tác, kỹ năng thể hiện sự tự tin, kỹ năng giao tiếp, … Trong quá trình làm việc, các em sẽ thắt chặt thêm tình đoàn kết, sẽ có được những kỷ niệm khó quên cho thời áo trắng của mình.

Tuy nhiên, không phải lúc nào GVCN cũng có thể ngăn chặn được những trở ngại về tâm lý của học sinh. Việc trực tiếp tư vấn tâm lý cho các em là một trong những hoạt động mà có lẽ tất cả GVCN đều trải qua. Tùy vào từng đối tượng học sinh, tùy vào mức độ của vấn đề, tùy vào nội dung vấn đề mà có cách giải quyết khác nhau, nhưng nhìn chung, GVCN thường tiếp xúc với 2 đối tượng: học sinh cần tư vấn và các đối tượng có liên quan.

Với học sinh cần tư vấn, GVCN cần thật nhẹ nhàng, kiên nhẫn, tỏ ra biết lắng nghe và biết thấu hiểu. Khi thầy cô lắng nghe và thể hiện sự thấu hiểu, các em sẽ dễ dàng bày tỏ những điều đang chất chứa trong lòng. Tuy nhiên, việc cần làm của GVCN trong công tác tư vấn không phải là chỉ ra cho các em vấn đề nằm ở đâu và giải quyết vấn đề thay cho các em, mà là tạo điều kiện để học sinh tự nói ra vấn đề, tự nhìn nhận, đánh giá vấn đề, tự giải quyết vấn đề, nếu như vấn đề nằm trong khả năng của các em. Với việc lựa chọn nghề nghiệp của các em trong tương lai, GVCN không nên cho học sinh biết là em thích hợp với nghề gì, nên chọn ngành học nào. Ở đây, bản thân các em phải tự ý thức được mình là ai, mình đang ở đâu, và quan trọng hơn, các em phải hiểu rằng tuy cần có sự trợ giúp, góp ý của người lớn, nhưng tương lai là do mình tự quyết định lấy. Nói cách khác, GVCN với tư cách là người tư vấn, phải khơi dậy được ở học sinh niềm tin vào bản thân, gạt bỏ những rào cản tâm lý để các em có thể đối mặt với những vấn đề của mình. Tuy nhiên, khi vấn đề không chỉ thuộc về cá nhân học sinh, thì GVCN lại phải trợ giúp cho các em bằng nhiều cách, trong đó có việc tiếp xúc với các đối tượng có liên quan.