Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
TruongTHPTNguyenDuDx
Xét tuyển sớm: Nhiều thí sinh đỗ nên chủ quan dẫn đến trượt tốt nghiệp
Trường dùng quá nhiều phương thức tuyển sinh, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý, xét tuyển sớm không dự báo được thí sinh ảo, khiến công tác tuyển sinh kém hiệu quả.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 và các năm tiếp theo về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2022.

Ngành học khó tuyển sinh sẽ càng khó thu hút thí sinh hơn nếu bỏ xét tuyển sớm

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, một vị Phó Trưởng phòng đào tạo của trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua thực tiễn công tác tuyển sinh năm 2022, nhất là thực hiện hình thức xét tuyển sớm, vị này ghi nhận những thuận lợi và bất cập nhất định đối với cả thí sinh và cơ sở đào tạo. Nếu bỏ hình thức xét tuyển sớm thì trường sẽ gặp nhiều khó khăn khi tuyển sinh các ngành khó tuyển.

Xét tuyển sớm: Nhiều thí sinh đỗ nên chủ quan dẫn đến trượt tốt nghiệp ảnh 1

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Về mặt thuận lợi, vị này cho rằng, nhờ xét tuyển sớm mà trường bước đầu nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng của thí sinh có nhu cầu vào trường là bao nhiêu, ngành nào nhiều nhất.

Còn về những bất cập, theo vị này, đối với thí sinh, những em có nguyện vọng xét tuyển sớm với phương thức sử dụng điểm học tập trung học phổ thông thường sẽ có tâm lý chủ quan, ít tập trung học, ôn thi. Chính vì thế, các em rất dễ trượt tốt nghiệp. Khi trượt tốt nghiệp thì kể cả xét tuyển sớm có đủ điều kiện thì các em cũng không thể nhập học dẫn đến hụt chỉ tiêu xét tuyển sớm.

Về phía cơ sở đào tạo, xét tuyển sớm có thể giúp trường tăng cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên, nhất là những ngành khó tuyển sinh. Tuy nhiên, hình thức này vô tình khiến số lượng thí sinh ảo gia tăng, nhiễu loạn hệ thống, công tác lọc ảo trở nên vất vả hơn.

“Cụ thể, năm 2022, trường dành nhiều chỉ tiêu cho hình thức xét tuyển sớm bằng học bạ dẫn tới không chủ động được việc xác định số lượng thí sinh chắc chắn nhập học là bao nhiêu. Điều này dẫn đến tình trạng vượt chỉ tiêu hoặc hụt chỉ tiêu tuyển sinh đề ra trước đó.

Chưa kể, trường hợp vượt chỉ tiêu ở hình thức xét tuyển sớm khiến trường phải giảm chỉ tiêu, đồng thời tăng điểm trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển khác, nhất là phương thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông”, vị Phó Trưởng phòng đào tạo cho hay.

“Khi tiếp nhận hồ sơ, rà soát, trường chỉ gửi thông báo thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển (trừ yêu cầu điểm tốt nghiệp trung học phổ thông). Do đó, trường cũng không nắm được thí sinh này có chắc chắn nhập học vào trường sau khi tốt nghiệp hay không. Điều này khiến công tác tuyển sinh của trường rất mông lung, mơ hồ nên kết quả tuyển sinh không hiệu quả.

Không tuyển sinh sớm gây khó cho trường do không phải top đầu, khó thu hút sinh viên đăng ký học. Áp dụng hình thức xét tuyển sớm, cụ thể là sử dụng điểm học bạ trung học phổ thông là nhằm mục đích gia tăng cơ hội tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên vào trường.

Song, nếu bỏ hình thức này, trường mong có những điều chỉnh mới, hợp lý để tạo điều kiện cho trường đại học top sau, cũng như các ngành khó tuyển sinh sẽ thu hút được thí sinh”, Phó Trưởng phòng đào tạo nêu ý kiến.

Đồng bộ học bạ điện tử trung học phổ thông để thuận lợi tuyển sinh đại học

Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, cán bộ làm công tác tuyển sinh của một cơ sở đào tạo đại học ở Hà Nội cho rằng, các phương thức xét tuyển được sử dụng để tuyển sinh sớm thường là sử dụng điểm học bạ, thi năng khiếu, và mới đây là đánh giá năng lực, đánh giá tư duy. Trong đó, phương thức sử dụng học bạ để xét tuyển sớm được sử dụng hầu hết ở các trường đại học.

“Khi dư luận xã hội còn lo lắng về tình trạng sinh viên đỗ đại học bằng phương thức xét học bạ sẽ không đảm bảo khả năng theo học, thì đó là một lời cảnh báo đối với cán bộ quản lý, giáo viên trung học phổ thông nếu còn giữ tâm lý cho điểm cao, đánh giá không sát năng lực thực chất.

Năm 2022, số thí sinh đăng ký xét tuyển sớm, đủ điều kiện trúng tuyển nhưng không nhập học vào trường tương đối nhiều", vị này chia sẻ.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh có thể sẽ nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào nhiều trường đại học khác nhau. Ngoài làm đầy đủ thủ tục theo yêu cầu của từng trường, thí sinh vẫn phải khai báo nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ. Chưa kể, nhiều thí sinh coi xét tuyển sớm chỉ là phương án dự phòng nếu trượt đại học bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đa phần, thí sinh đăng ký cả 2 hình thức, dẫn đến nhiễu loạn thông tin.

“Thực tế đối với nhà trường, có một số lượng thí sinh đăng ký sử dụng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và cũng đồng thời đăng ký xét tuyển sớm bằng học bạ. Đến khi công bố điểm trúng tuyển, thí sinh này đỗ cả 2 hình thức, khi nhập học, thí sinh khai báo trúng tuyển theo phương thức sử dụng điểm thi. Chính vì thế, suất dành cho thí sinh trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm bị thiếu hụt, tuyển sinh không đủ trong khi chỉ tiêu sử dụng kết quả thi lại tăng vọt”, vị cán bộ tuyển sinh chỉ ra bất cập.

Cũng theo vị này, năm 2022, trường không tuyển đủ chỉ tiêu xét tuyển sớm nên phải dồn chỉ tiêu sang các phương thức tuyển sinh còn lại. Cho đến khi thí sinh nhập học thì trường mới tổng hợp được bao nhiêu thí sinh xác nhận nhập học theo sử dụng kết quả thi, hay xét tuyển sớm.

Đối với thí sinh trúng tuyển theo hình thức xét tuyển sớm nhưng chưa nhập học, bên cạnh quảng bá, truyền thông và chăm sóc, nhà trường tiếp tục tiến hành liên kết thông tin từ trường đến thí sinh, tư vấn về chương trình đào tạo để thuyết phục, thu hút, gia tăng thêm số lượng sinh viên mới nhập học. Nhưng đến nay vẫn chưa gọi đủ chỉ tiêu qua hình thức xét tuyển sớm.

Trước đề xuất xem xét không xét tuyển sớm năm 2023, vị này cho rằng, mỗi một cải tiến của ngành giáo dục đều nhằm nâng cao chất lượng quản lý, đào tạo. Quy định này sẽ rút kinh nghiệm từ những bất cập trong công tác tuyển sinh các năm trước.

“Đơn cử, năm 2022, ban đầu, có một số cải tiến trong công tác tuyển sinh khiến một số trường lo ngại không thực hiện được. Tuy nhiên, thực tế sau quá trình triển khai từng bước thì cho thấy cải tiến khá thành công. Do đó, quy định xem xét không tuyển sinh sớm có thể là sự rút kinh nghiệm từ những bất cập trong năm trước, cải thiện hiệu quả tuyển sinh đại học năm tới. Hiện tại, chưa thể đánh giá bỏ hình thức này là tốt hay không tốt đối với các trường. Song, tôi có niềm tin rằng những điều chỉnh của Bộ đều sẽ hướng tới mục đích cuối cùng là nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh.

Việc bỏ xét tuyển sớm cũng có thể là "đòn bẩy" để các trường tự cải tiến, nâng cao sản phẩm (chất lượng, chương trình đào tạo) để thu hút khách hàng (người học).

Ví dụ, một tập khách hàng gồm 100 người (thí sinh), trong khi có 50 cửa hàng (trường đại học) cùng chào bán. Việc bán trước hay bán sau (tuyển sinh sớm, hay theo lộ trình của Bộ) thì cũng chỉ có từng đó khách hàng.

Nếu 50 cửa hàng và 100 khách cùng xuất hiện một lúc, một phần khách hàng lựa chọn cửa hàng nào trước (chất lượng tốt) thì số khách hàng còn lại vào các cửa hàng sau (chất lượng kém hơn) sẽ ít đi.

Trong mặt bằng cạnh tranh, khi trường đại học nào không hot bằng những trường top trên thì họ sẽ lựa chọn đa dạng các phương thức xét truyển và có phần dễ dàng để thí sinh trúng tuyển. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất hiện nhiều phương thức xét tuyển gây nhiễu như báo cáo của Bộ”, vị này cho biết.

Để công tác tuyển sinh năm 2023 được thuận lợi, vị này đề xuất một số kiến nghị như sau:

Một là, rút ngắn thời gian tuyển sinh để thí sinh không phải chờ đợi lâu dẫn tới thay đổi các quyết định lựa chọn ngành học.

Hai là, hệ thống chung và hệ thống của các trường, ngành giáo dục có giải pháp để đồng bộ học bạ trung học phổ thông, cả với những thí sinh đã tốt nghiệp từ những năm trước đó (mà chưa trúng tuyển đại học) để trường đại học thuận tiện tuyển sinh, nhất là theo phương thức sử dụng học bạ.

Ba là, có thêm giải pháp kết nối dữ liệu online chỉ rõ các đối tượng ưu tiên theo khu vực để khi xét tuyển bằng học bạ, trường đại học sẽ theo dõi được luôn thí sinh thuộc đối tượng ưu tiên, khu vực nào. Từ đó, giúp thuận tiện, tránh mất thời gian khi phải so sánh, đối soát thông tin trên bản cứng với bản mềm.

Riêng về đề xuất giảm phương thức xét tuyển, vị này cho biết, các trường phải căn cứ vào các tiêu chí:

Thứ nhất, quy mô đào tạo.

Thứ hai, phán đoán tình hình số lượng nhu cầu đối tượng tiềm năng (người học quan tâm ngành học).

Thứ ba, chương trình và chất lượng đào tạo.

Thứ tư, các ngành đáp ứng nhu cầu xã hội.