Không tìm thấy Video trong hệ thống dữ liệu
TruongTHPTNguyenDuDx
Dạy trẻ ứng xử với tiền: Kỹ năng sinh tồn cần thiết hay thực dụng?

Khi hiểu đúng giá trị đồng tiền, trẻ sẽ có động lực học tập từ nhỏ, biết cách sắp xếp kế hoạch chi tiêu hợp lý, hài hòa giữa nhu cầu thiết yếu và ham muốn của bản thân.

Bố mẹ nào cũng từng cho con tiền ăn sáng. Đứa trẻ nào cũng có tiền mừng tuổi. Nhưng nhiều cha mẹ tin rằng trẻ em chỉ cần học tập tốt và không nên đề cập tới tiền bạc, với suy nghĩ phổ biến là trẻ em còn nhỏ, chưa cần biết đến cách tiêu tiền. Hoặc nếu dạy con về tiền quá sớm thì sẽ biến chúng thành những người thực dụng.

Thực tế cho thấy, việc hiểu về giá trị thực sự của đồng tiền, biết cách chi tiêu hợp lý và tiết kiệm đúng mực sẽ ảnh hưởng tới lối sống, hành vi, ứng xử và đạo đức của con người ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, ngày nay các chuyên gia cho rằng cần thiết phải dạy trẻ biết cách ứng xử với đồng tiền từ nhỏ. Từ đó, không ít phụ huynh đã dành nhiều công sức để rèn luyện kỹ năng sống này cho con.

Dạy trẻ ứng xử với tiền: Kỹ năng sinh tồn cần thiết hay thực dụng? - Ảnh 1.

Ngay từ năm 2015, Diễn đàn Kinh tế thế giới đã chỉ ra rằng bên cạnh kỹ năng cần thiết về đọc hay viết, khoa học và công nghệ, kiến thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân là rất quan trọng, cần được đào tạo từ sớm. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhấn mạnh hiểu biết về tài chính là kỹ năng sinh tồn của con người trong xã hội hiện đại.

"Để các con học về tiền, chúng ta sẽ bắt đầu khi các con học lớp 3, khi cộng, trừ, nhân, chia đã khá tốt. Nhưng chúng ta cũng nên cho các con làm quen với tiền từ lúc 4 – 5 tuổi, để các con không quá tò mò và ngạc nhiên tiền là gì. Những kỹ năng này nên được làm từ từ hàng ngày, cần phải biết giá trị về đồng tiền cũng như giá trị sức lao động. Nếu các con không biết tiền hoặc nghĩ tiền luôn có sẵn để giao cho các con thì các con không biết giá trị của sức lao động, cũng như các con trở lên coi thường, hoang phí", TS. Vũ Thu Hương, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn giáo dục Clever Kids nói.

Không phải ngẫu nhiên khi các chuyên gia đưa ra lý thuyết về 6 lọ chi tiêu tài chính, gồm chi tiêu cần thiết, tiết kiệm dài hạn, đầu tư giáo dục, nhu cầu hưởng thụ, đầu tư tự do và hoạt động từ thiện. Đây chính là những khía cạnh đảm bảo cuộc sống của một con người. Các chuyên gia chỉ ra rằng trong quá trình lớn lên của trẻ, việc thiếu nhận thức đúng đắn về tiền bạc khiến trẻ không hiểu hết ý nghĩa của đồng tiền, không biết cách sử dụng tiền và dễ sai lầm. Ngược lại, những đứa trẻ biết được giá trị đúng đắn của đồng tiền sẽ biết cách giải quyết mối quan hệ giữa ham muốn và khả năng của cuộc sống chính mình trong phạm vi cho phép. Những đứa trẻ này có khả năng thành công hơn trong tương lai so với những đứa trẻ không biết tiêu tiền.

Dạy trẻ ứng xử với tiền: Kỹ năng sinh tồn cần thiết hay thực dụng? - Ảnh 2.

Điều đáng mừng là trong thời quan đã có những trường học dạy trẻ kỹ năng quản lý tài chính thông qua những trò chơi sinh động và hấp dẫn. Nước ta có tới hơn 13.000 trường tiểu học, nhưng theo thống kê mới chỉ có hơn 140 trường đưa giáo dục tài chính vào nội dung ngoại khóa. Như vậy, đây mới chỉ là những thử nghiệm đầu tiên. Trong khi đó, nghiên cứu của một hãng bảo hiểm cho thấy có 95% phụ huynh châu Á cho rằng việc dạy con về tiền là quan trọng. Nhưng quá nửa số người được hỏi cho biết không tự tin mình có đủ kiến thức để dạy con. Bên cạnh đó, không ít ý kiến lo ngại rằng nếu dạy trẻ nhiều về tiền bạc thì liệu có tạo nên một thế hệ thực dụng, chỉ biết tới tiền bạc và vật chất?

"Nếu chúng ta không dạy thì các con vẫn biết nhưng các con có thể biết sai lệch sang một hướng khác. Còn nếu dạy thì gần như chúng ta đã vẻ hẳn một còn đường chính xác để các con đi theo" – TS. Vũ Thu Hương, Giám đốc công ty TNHH Tư vấn giáo dục Clever Kids chia sẻ - "Câu chuyện thực dụng hay không nằm ở chỗ chúng ta giáo dục đạo đức cho các con như thế nào thông qua câu chuyện về tiền. Nếu các con ăn trộm tiền thì là vi phạm về pháp luật và đạo đức. Chúng ta giáo dục những điều đó sẽ khiến các con không rơi vào tình trạng quá thực dụng, đam mê tiền. Bên cạnh giá trị về tiền, chúng ta cũng có thể giáo dục các con những giá trị quan trọng khác liên quan đến tiền như tiền có thể hỗ trợ người nghèo, người gặp khó khăn…".

Dạy trẻ ứng xử với tiền: Kỹ năng sinh tồn cần thiết hay thực dụng? - Ảnh 3.

Doanh nhân người Mỹ gốc Nhật – Robert Hiosaki – tác giả cuốn sách Cha giàu, cha nghèo, có nói rằng nếu bạn không dạy con bạn về tiền bạc, sau này sẽ có người thay thế dạy con bạn, chẳng hạn như chủ nợ, cạnh sát và thậm chí là kẻ lừa đảo. Nếu để những người này giáo dục con bạn về tài chính, tôi sự bạn và con bạn sẽ phải trả cái giá đắt hơn. Ở những nước phát triền, việc cho trẻ tiếp cận với những kênh giáo dục tài chính được áp dụng từ sớm. Người Do Thái còn lấy tiếng leng keng của đồng tiền để mừng trẻ ra đời.

Thái độ kiểm soát tiền bạc của một con người phản ánh khả năng kiểm soát và lập kế hoạch cho một cuộc sống độc lập trong tương lai. Do vậy, ngoài việc dạy con làm việc chăm chỉ để tiết kiệm tiền, cha mẹ trong xã hội hiện đại cũng được khuyến khích dạy trẻ chi tiêu đúng cách. Khi trẻ hiểu đúng giá trị đồng tiền từ sức lao động, trí tuệ ra, trẻ sẽ có động lực học tập từ nhỏ, biết cách sắp xếp kế hoạch chi tiêu hợp lý, hài hòa giữa các nhu cầu thiết yếu và ham muốn của bản thân, giữa hưởng thụ và tiết kiệm, giữa tài sản cá nhân và đóng góp cho xã hội. Nhờ đó, cuộc sống trở lên cân bằng, hài hòa hơn, trẻ hạnh phúc và chủ động hơn trong cuộc đời phía trước.